Bình nóng lạnh đã dần trở thành thiết bị không thể thiếu của nhiều gia đình đặc biệt là trong mùa đông. Nhằm mục tiêu lắp đặt thiết bị tốt hơn, sử dụng hiệu quả và an toàn hơn, thegioinonglanh.vn mời bạn cùng tìm hiểu cấu tạo bình nóng lạnh và nguyên lý hoạt động của bình qua bài viết dưới đây!
1. Cấu tạo bình nóng lạnh với 10 bộ phận chính
Bình nóng lạnh rất đa dạng về mẫu mã, thiết kế, dung tích, tuy nhiên cấu tạo bên trong bình nóng lạnh đều tương tự nhau. Bao gồm 10 bộ phận dưới đây:
1.1. Vỏ bình nóng lạnh
Thông thường với những bình nóng lạnh có dung tích nhỏ sẽ trang bị vỏ bình nhựa cao cấp. Còn những bình có dung tích lớn sẽ có lớp vỏ làm từ thép tĩnh điện để đảm bảo chắc chắn cho sản phẩm.
1.2. Lớp xốp PU cách nhiệt
Xốp Polyurethan (PU) cách nhiệt sẽ được bơm vào khoảng trống giữa vỏ bình và lõi bình với mật độ dày. Nhiệm vụ chính của lớp xốp này là giữ nhiệt tối đa, tránh thất thoát nhiệt, giúp tiết kiệm điện tốt hơn.
1.3. Lõi bình nóng lạnh
Lõi bình nóng lạnh thường có 2 loại: Lõi thép thông thường và lõi có tráng men thủy tinh chống ăn mòn.
– Lõi bình nóng lạnh thông thường: Người ta sẽ dùng thép tấm chuyên dụng, dập thành hai nửa, sau đó hàn dính lại với nhau một cách chắc chắn. Ngày nay không còn nhiều công ty sản xuất loại lõi bình nóng lạnh này nữa.
– Lõi bình nóng lạnh có tráng men: Vẫn dùng thép tấm chuyên dụng dập thành hai nửa và hàn dính lại với nhau. Sau đó nhà sản xuất sẽ tráng một lớp men thủy tinh lên bề mặt sản phẩm rồi đưa vào lò nung ở nhiệt độ 800 – 900 độ C. Thủy tinh sẽ nóng chảy và thẩm thấu tự nhiên vào bề mặt của lõi bình nóng lạnh, tạo thành một lớp bảo vệ chống ăn mòn ở mọi điều kiện thời tiết và môi trường sử dụng.
1.4. Thanh gia nhiệt
Thanh gia nhiệt hay còn gọi là thanh mayso có cấu tạo đơn giản, chất liệu hợp kim thép hoặc đồng. Yêu cầu của thanh gia nhiệt phải cách điện tốt, truyền nhiệt tốt và thời gian sử dụng bền bỉ.
1.5. Thanh khử cặn magie
Thanh khử cặn được làm từ magie có nhiệm vụ trung hòa các tạp chất trong nước, giúp chống ăn mòn điện hóa, bảo vệ lõi bình nóng lạnh và thanh gia nhiệt. Tuy nhiên vì thường xuyên tiếp xúc với nguồn nhiệt cao do thanh gia nhiệt phát ra trong quá trình sử dụng, thanh magie rất nhanh bị ăn mòn. Các chuyên gia khuyến cáo nên thay mới thanh magie sau khoảng 6 tháng sử dụng, đảm bảo an toàn nguồn điện và gia tăng tuổi thọ của bình nóng lạnh.
1.6. Rơ le nhiệt bình nóng lạnh
Tiếp theo trong cấu tạo bình nóng lạnh chúng ta cùng tìm hiểu rơ le nhiệt bình nóng lạnh. Rơ le nhiệt độ có hai nhiệm vụ chính bao gồm:
– Điều chỉnh nhiệt độ: Khi nhiệt độ của thanh gia nhiệt đã đúng như cài đặt thì rơ le sẽ cắt nguồn điện, đến khi nhiệt độ xuống thấp hơn thì rơ le sẽ cấp nguồn điện cho thanh gia nhiệt hoạt động trở lại.
– Tăng cường độ an toàn: Trong trường hợp rơ le nhiệt độ bị hỏng, toàn bộ nguồn điện sẽ bị ngắt nhằm bảo đảm an toàn cho người dùng.
1.7. Dây điện nguồn
Bình nóng lạnh muốn hoạt động được phải kết nối với nguồn điện thông qua những dây điện nguồn có tiết diện khoảng 1.5 mm2 – 4 mm2 tùy dung tích bình. Ngoài ra hầu như bình nóng lạnh hiện nay đều có gắn thiết bị chống giật ELBC. Trong trường hợp thanh gia nhiệt bị rò điện ra vỏ bình, lập tức bộ chống giật ELBC sẽ cắt nguồn điện, rơ le không hoạt động và thanh mayso cũng không nóng lên được, tuyệt đối an toàn cho người dùng.
Kinh nghiệm nhỏ: Hãy kiểm tra lại cấu tạo bình nóng lạnh của nhà mình xem đã có bộ chống giật hay chưa. Nếu chưa, có thể lắp đặt thêm một thiết bị ELBC nhỏ với giá chưa đến 500.000 đồng/sản phẩm để sử dụng bình nóng lạnh an toàn bạn nhé!
1.8. Đèn báo hiển thị
Trên màn hình của vỏ bình nóng lạnh bao giờ cũng kèm theo các đèn báo để người dùng biết: Khi nào bình có điện, khi nào bình hoạt động và khi nào thì nước đã đủ nhiệt độ cần thiết.
1.9. Đường nước ra – vào
Trên bình nóng lạnh còn được thiết kế hai đường nước vào – ra với những đường ống có ren lớn giúp việc kết nối dễ dàng và chắc chắn. Thường thì đường nước vào (nước lạnh đi vào bình) sẽ có màu xanh dương, nơi đó để gắn van một chiều và van an toàn. Đường nước nóng ra khỏi bình sẽ có ký hiệu màu đỏ, có sẵn ống ren để kết nối với vòi sen.
1.10. Van 1 chiều
Van một chiều (van an toàn) có nhiệm vụ cắt nguồn nước ngay lập tức phòng khi có sự cố cần xử lý và cũng dễ dàng khi lắp đặt / tháo lắp / di chuyển bình đi chỗ khác. Ngoài ra chiếc van này cũng chỉ cho nước đi vào chứ không thể chảy ngược lại ra khỏi bình, đảm bảo luôn có một lượng nước đủ ngập thanh gia nhiệt, tránh làm cháy bình kể cả khi nguồn nước cấp cho bình bị cạn kiệt.
2. Nguyên lý hoạt động của bình nóng lạnh
Thông qua cấu tạo bình nóng lạnh trên đây chúng ta có thể nhận thấy bình nóng lạnh hoạt động tương tự như bình đun nước siêu tốc. Nguồn điện đi vào bình sẽ được điều khiển bởi rơ le nhiệt độ, nó cho phép cấp điện đến thanh gia nhiệt (mayso) – có vai trò như một dây điện trở công suất lớn (1500W, 2500W thậm chí có thể lên đến 6000W tùy dung tích của bình) làm nước nóng lên đến nhiệt độ cái đặt rồi ngắt nguồn điện.
Về mặt khoa học, dù bình nóng lạnh có thiết kế hiện đại hơn so với bình đun nước siêu tốc, nhưng cả hai thiết bị đều có nguy cơ gây giật điện như nhau. Các chuyên gia cảnh báo, bình nóng lạnh là một thiết bị nhà tắm có thể gây rò rỉ điện.
Vì vậy trong quá trình sử dụng bình nóng lạnh, gia đình cần chú ý không cắm điện 24/24, giúp bảo vệ thanh mayso bền bỉ (do không hoạt động quá tải trong thời gian dài) và cũng giúp tiết kiệm một khoản tiền điện cho gia đình.
Hi vọng một vài thông tin trên đây đã giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về cấu tạo bình nóng lạnh cũng như nguyên lý hoạt động của bình. Bạn đang quan tâm đến các sản phẩm bình nóng lạnh hãy liên hệ ngay với thegioinonglanh.vn – Thế giới bình nóng lạnh giá rẻ – theo hotline 0914.40.8668 để được tư vấn chi tiết!